TPO - Giải Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm 2022 (Tiền Phong Marathon 2022) sẽ là mùa giải vô cùng đặc biệt đối với Lê Văn Tuấn, vận động viên sinh năm 1984 thuộc biên chế đoàn thể thao tỉnh Bình Dương. Đây là lần đầu tiên Tuấn thi đấu ở giải việt dã báo Tiền Phong với tư cách là tuyển thủ quốc gia khi anh vừa được triệu tập lên đội tuyển để tham dự SEA Games 31 vào tháng 5 tới.
Mong được đóng góp trí lực, thể lực cho thể thao Việt Nam ở SEA Games
“Tôi nghĩ bất cứ vận động viên thể thao nào đều mong ước được cống hiến cho thể thao Việt Nam nói riêng và Tổ quốc nói chung, cả trí lực và thể lực”, Tuấn tranh thủ chia sẻ với PV Tiền Phong sau buổi tập nhẹ tại Côn Đảo, hòn đảo thiêng liêng phía Nam của Tổ quốc.
Tại giải tuyển chọn thi đấu SEA Games vừa diễn ra tại Mỹ Đình (Hà Nội), Lê Văn Tuấn đã giành chức vô địch một cách thuyết phục với thời gian 2 giờ 27 phút 41 giây. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm, chân chạy bền bỉ 38 tuổi này đã vượt qua hai đối thủ trẻ tuổi Trịnh Quốc Lượng và Đào Minh Chí, hai vận động viên (VĐV) của đoàn Biên phòng để cán đích đầu tiên.
Ở mùa giải năm ngoái tại Pleiku (Gia Lai), Lê Văn Tuấn chỉ đạt hạng 4 cự ly marathon ở giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm 2021 với thành tích 2 giờ 31 phút 52 giây, xếp sau nhà vô địch Hoàng Nguyên Thanh. Kết quả đó không nằm ngoài dự tính của chân chạy gốc Ninh Bình này bởi anh vẫn còn chấn thương chân.
Năm nay, Lê Văn Tuấn và Hoàng Nguyên Thanh hứa hẹn một cuộc tái đấu rất hấp dẫn trên đường đua Côn Đảo khi cả hai đều đang là những chân chạy marathon có phong độ cao thuộc đội tuyển quốc gia điền kinh Việt Nam. Tiền Phong Marathon 2022 sẽ là cuộc tập dượt quan trọng cuối cùng cho bộ đôi này trước khi bước vào cuộc tranh tài marathon ở SEA Games đầy khốc liệt.
“Lẽ ra ngay sau thi đấu xong ở Mỹ Đình ngày 6/3 tôi bay thẳng từ Hà Nội ra Côn Đảo tập luyện chuẩn bị cho giải Tiền Phong Marathon luôn nhưng tôi tranh thủ rẽ qua nhà dịp 8/3. Cả năm vừa rồi tôi đã đi tập huấn xa nhà ít có dịp ở bên gia đình. Con tôi gần 4 tuổi. Mỗi lần tôi về cháu đều nói nhớ bố. Cháu cũng ngoan nên tôi có thể yên tâm cống hiến hết mình ở giải chạy Tiền Phong sắp tới cũng như cho đội tuyển quốc gia”, Tuấn tâm sự.
“Chỉ có báo Tiền Phong mới làm được”
Lê Văn Tuấn đã có thâm niên thi đấu giải Tiền Phong Marathon trong màu áo tỉnh Đồng Nai suốt từ năm 2011, khi anh còn là sinh viên năm thứ hai đại học. Từ năm 2019 đến nay, Lê Văn Tuấn dự tranh Tiền Phong Marathon với tư cách là vận động viên của tỉnh Bình Dương.
Trước khi lên đội tuyển quốc gia (ĐTQG), Tuấn giảng dạy môn Giáo dục thể chất - quốc phòng ở trường cao đẳng nghề. Với niềm đam mê chạy dài và mục tiêu lớn trước mắt, Tuấn đã gác lại công việc giảng dạy để chuyên tâm tập marathon.
“Nghiệp VĐV chạy bộ đường dài đối với tôi như một vòng quay vậy. Hồi còn là sinh viên, tôi đi thi đấu để lấy tiền đi học. Rồi sau này tôi đi làm để có tiền tham gia các giải chạy cùng với các vận động viên phong trào thích chạy marathon. Còn bây giờ, khi được triệu tập lên ĐTQG, tôi nghỉ công việc giảng dạy để dồn hết trí lực, thể lực nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đợt tập trung đội tuyển quốc gia”.
Cũng như nhiều chân chạy phong trào khác, Lê Văn Tuấn rất háo hức chờ đợi cơ hội hiếm có khi lần đầu tiên được chạy marathon trên vùng đất thiêng Côn Đảo. Còn nhớ ở mùa giải 2020 tại Lý Sơn, một hòn đảo khác, cũng đã đem lại kết quả ngọt ngào cho Tuấn khi anh giành giải Nhì cự ly marathon. Đây là kỷ niệm ấn tượng nhất của “ngôi sao nở muộn” này trong lịch sử các lần tham gia giải Tiền Phong.
"Chỉ có báo Tiền Phong mới mang lại điều tuyệt vời này. Giải Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài không chỉ là một giải thể thao thông thường mà còn là nơi thể hiện khát vọng ý chí con người Việt Nam, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng. Côn Đảo với hệ thống nhà tù đi vào sử sách, nơi bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì đất nước, sẽ là những bài học quý báu giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Việt Nam thêm yêu quê hương biển đảo”, anh nhấn mạnh.
“Địa hình, khí hậu và thời tiết ở Côn Đảo tuyệt vời. Mát mẻ, trong lành. Biển dài đẹp, người dân rất thân thiện. Những hôm tôi ở đây, cửa phòng khỏi lo khóa sợ mất đồ. Tương tự Lý Sơn, đường chạy Côn Đảo cũng có dốc và gió bởi bốn mặt là biển. Mọi người cần chuẩn bị tập luyện đầy đủ để tận hưởng vẻ đẹp của đường chạy nơi đây”, Tuấn tươi cười chia sẻ.